Ý kiến của các chính khách nổi tiếng Dân chủ tại Việt Nam

Ý kiến của ông Nguyễn Văn An

Nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An đã nhận định: "Cách mạng dân tộc dân chủ [ở Việt Nam] chưa hoàn thành cơ bản,... mới làm được phần Cách mạng dân tộc, đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành lại độc lập cho dân tộc; còn phần Cách mạng dân chủ thì mới làm được một phần, mới đánh đổ vua chúa phong kiến, còn rất nhiều nội dung của Cách mạng dân chủ chưa làm được, đến tận ngày nay vẫn còn nhiều vấn đề về dân chủ... cũng chưa làm được." Ngoài ra, ông còn nói rằng "người dân còn chưa được phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia thông qua trưng cầu dân ý",.[28]

Cũng theo lời ông Nguyễn Văn An, "Các hình thức hoạt động tự nguyện của các cộng đồng, các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy mọi nguồn lực và góp phần phản biện xã hội theo hướng xây dựng xã hội dân sự còn nghèo nàn và hạn chế. Nạn hành chính giấy tờ quan liệu, nhũng nhiễu còn khá nặng nề... Nghĩa là còn rất nhiều quyền dân chủ đương nhiên của một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mà nhân dân ta đến nay vẫn chưa được hưởng một cách trọn vẹn."

Khi bàn về tính dân chủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam,[29] ông Nguyễn Văn An cho biết rằng "Ở nước có đa đảng tham chính, thông thường các Đảng họ quy định đảng viên của Đảng đó phải bỏ phiếu theo lập trường của Đảng đó... các Đảng tranh giành lá phiếu với nhau, tranh giành lợi ích cho Đảng mình. Ở Việt Nam, Đảng ta không phải tranh giành lá phiếu với đảng nào cả mà chỉ là lá phiếu của những đảng viên, của những người đại biểu nhân dân tán thành hay không tán thành một điểm nào hay cả chủ trương, chính sách nào đó của Ban lãnh đạo Đảng... Trong thực tiễn đã có rất nhiều trường hợp đảng viên trong Quốc hội, kể cả ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đã bỏ phiếu thuận theo lòng dân, không theo chỉ thị nghị quyết của Bộ chính trị, của Ban chấp hành TƯ và đã được Đảng và Nhà nước chấp nhận, nhân dân đồng tình và hoan nghênh. Đó là điều Đảng ta cần và phải làm khác với các đảng ở các nước có nhiều đảng tham chính để phát huy dân chủ thật sự trong đảng, trong xã hội".

Ngoài ra, ông nói "Làm như lâu nay thì chưa thật dân chủ trong Đảng, cũng chưa thật dân chủ trong dân, còn mang nhiều tính hình thức, thụ động, dân ít quan tâm." Để giải quyết lỗi hệ thống này, ông An đưa ra giải pháp rằng "có thể có nhiều đồng chí đưa ra những cương lĩnh tranh cử khác nhau, dăm ba cương lĩnh chẳng hạn, sau đó trong Đảng lựa chọn ra hai ba cương lĩnh tranh cử để đưa ra dân lựa chọn, như sự tranh cử trong nội bộ một Đảng của các nước có đa đảng tham chính. Như vậy, dân sẽ có cơ hội lựa chọn cương lĩnh tranh cử và người đứng đầu cương lĩnh để trở thành cương lĩnh phát triển của đất nước và nguyên thủ quốc gia trong một nhiệm kỳ xác định..."

Ý kiến của ông Trần Xuân Bách

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách từng phát biểu: "Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát - do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ là khơi thông trí tuệ của toàn dân tộc và đưa đất nước đi lên kịp thời đại...".[30]

Ông đã có nhiều bài viết và phát biểu theo xu hướng đa nguyên, đa đảng khi trào lưu cải tổ do Gorbachov đưa ra đang lan tràn trong nhiều nước xã hội chủ nghĩa thời đó. Do đó, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 3 năm 1990), Trần Xuân Bách đã bị phê phán gay gắt và bị kỷ luật, phải ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương nhưng không bị khai trừ khỏi Đảng.[31]

Theo cuốn Bên thắng cuộc, sau khi ông Bách bị kỷ luật, cách chức ủy viên Bộ chính trị, ủy viên Trung ương Đảng thì vợ ông Bách bị cơ quan “cho ra đứng vỉa hè giữ xe máy cho khách đến liên hệ với cơ quan”.[32]

Ý kiến của ông Lê Hiếu Đằng

Vào tháng 8/2013, trong bài viết "Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh" đăng trên báo Người Việt (xuất bản ở Quận Cam, California, Mỹ), ông Lê Hiếu Đằng (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở TP HCM, về sau trốn ra nước ngoài) cho rằng đảng Cộng sản đã "phản bội lý tưởng cách mạng, phản bội nhân dân, phản bội những người góp phần xây dựng nên chế độ", trong đó có ông, ông cũng cho rằng phải dân chủ hóa, xây dựng thể chế đa đảng "để cứu đất nước thoát khỏi tình thế nguy cấp hiện tại"[33] kêu gọi thành lập chính đảng mang tên Đảng Dân chủ Xã hội.[34][35]

Ý kiến của ông Nguyễn Phú Trọng

Ngày 28 tháng 01 năm 2016, trả lời câu hỏi của AFP: "Thưa Tổng Bí thư, ông có nghĩ rằng dưới sự tiếp tục lãnh đạo của ông và Bộ Chính trị, Việt Nam sẽ là đất nước giàu mạnh hơn và dân chủ hơn không?", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời: "Tập thể lãnh đạo nhưng cũng cần đề cao trách nhiệm cá nhân, phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân. Cái hay của chúng ta là “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Ở một số nước, nói là dân chủ nhưng người đứng đầu quyết định hết, thế thì ai dân chủ hơn ai?[36] Câu nói này được dịch từ bản tin tiếng Anh trên tờ The Japan Times: "Kể tên các nước này thật không xác đáng, nhưng ở các nước ấy, với danh nghĩa dân chủ, nhưng mọi quyết định đều nằm trong tay một người. Vậy thì, nơi nào dân chủ hơn?"[37]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dân chủ tại Việt Nam http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41667806 http://www.economist.com/node/8908438?story_id=890... http://www.eiu.com/Handlers/WhitepaperHandler.ashx... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/vi... http://thediplomat.com/2016/03/the-truth-about-dem... http://www.voanews.com/vietnamese/news/tu-tuong-ho... http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130812-luat-gia-... http://www.state.gov/g/drl/rls/hrrpt/2009/eap/1360... http://www.lenduong.net/spip.php?article1449 http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/khong-de-hi...